Về thăm những ngôi chùa độc đáo ở Vĩnh Long
Đến với Vĩnh Long, bạn sẽ được tận hưởng cảm giác yên bình, thoải mái khi rảo bước qua các khu vườn cây ăn trái trĩu quả. Ngoài ra, du khách còn có thể đến thăm các ngôi chùa khá ấn tượng và độc đáo.
Chùa Ông mang đậm nét kiến trúc của người Hoa.
Tọa lạc trên cung đường Nguyễn Chí Thanh, TP Vĩnh Long, chùa Ông còn được gọi là Hội quán Phúc Kiến, Thất Phủ Miếu hay Vĩnh An Cung. Đây là công trình kiến trúc được xây dựng từ năm 1892-1909 do nhóm thợ tài hoa gồm mười người từ Phúc Kiến sang.
Các tượng thờ ở đây đa số bằng gỗ, có một số bằng đồng, gốm sứ. Các cột, kèo, bộ bao lam, câu đối, hoành phi chạm lộng tinh tế, công phu mang nét kiến trúc của người Hoa. Trong những năm gần đây, ngôi chùa cổ trở thành điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ gần xa với mong muốn vừa được cầu bình an, vừa có thể pose nhiều ảnh đẹp.
Chùa Phật Ngọc xá lợi Vĩnh Long
Khi đến với vùng đất Vĩnh Long, thì không thể quên ghé thăm Chùa Phật Ngọc xá lợi. Tọa lạc tại số 287A, ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP Vĩnh Long là một trong những ngôi chùa thiêng liêng và cổ kính nhất Miền Tây.
Chùa được xây dựng từ năm 1970 với diện tích là 1,7ha, do cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa trụ trì. Nổi bật giữa ngôi chùa là tượng đài Đức Quán Thế Âm với chiều cao 32m và Bảo tháp cao 45m lộng lẫy uy nghiêm.
Chùa Tiên Châu
Chùa Tiên Châu là một trong những điểm đến đẹp trên cù lao An Bình, được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Để đến được đây, từ thành phố Vĩnh Long, bạn qua phà An Bình, lên bờ đi một đoạn ngắn là đến chùa Tiên Châu. Vào chùa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng nội điện chùa được trang trí đẹp đẽ, trang nhã. Giữa tứ trụ là khánh thờ, bên trong tôn trí pho tượng Phật Di Đà khổng lồ. Đây chắc chắn sẽ là điểm đến cho những ai yêu thích du lịch tâm linh và khám phá những vẻ đẹp hoài cổ.
Chùa Phước Hậu - Vườn kinh bằng đá
Chùa Phước Hậu nằm bên dòng sông Trà Ôn, tọa lạc ở ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đây là ngôi cổ tự tổ đình Phật giáo dòng Lâm Tế, phái Chúc Thánh, đồng thời nổi tiếng với công trình vườn kinh đá độc đáo, có một không hai ở Nam bộ.
Vườn kinh này được xây dựng trong vườn sao rộng trên 4.000m2, do Thượng tọa Thích Phước Cẩn, trụ trì chùa Phước Hậu khởi xướng. Khu vườn này có 500 trang kinh được khắc trên 250 phiến đá. Các phiến đá được sắp xếp bố cục mô phỏng lá bồ đề xòe ra theo tám hướng, tượng trưng Bát chánh đạo. Trung tâm vườn là ngọn núi có bốn tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngoài ra còn có một số phiến đá khắc thêm tiếng Anh cạnh tiếng Việt để khách du lịch nước ngoài hiểu được khi đến tham quan và nhiều phiến đá khắc chữ tâm, nhẫn, những lời răn dạy của đạo Phật rất độc đáo.
Chùa Khmer Phù Ly
Chùa Phù Ly tọa lạc tại xã Đông Thành, huyện Bình Minh, Tỉnh Vĩnh Long. Là một ngôi chùa cổ do người Khmer xây dựng nên mang lối kiến trúc rất độc đáo, đặc trưng của văn hóa Khmer, là sự kết hợp của lối kiến trúc Ấn Độ, Thái Lan và cả Camphuchia. Theo ghi chép lại thì chùa Phù Ly được người Khmer xây dựng vào năm 1672. Tính đến nay chùa đã có niên đại gần 350 năm tuổi nhưng vẻ đẹp cổ kính vẫn còn nguyên vẹn đến nay.
Ngôi chùa có khuôn viên khá rộng rãi, trong điện có nhiều hình Phật, bên ngoài có tượng Phật nằm khổng lồ bằng đá rất trang trọng và uy nghiêm. Chùa Phù Ly là nơi linh thiêng ẩn chứa nhiều giai thoại kỳ bí. Nét cổ kính của ngôi chùa được tô điểm bởi những cây sao cổ thụ và những cây thốt nốt trong vườn chùa.
Chùa Hạnh Phúc Tăng
Chùa Hạnh Phúc Tăng là ngôi chùa có niên đại lâu nhất trong số các ngôi chùa của người Khmer ở Vĩnh Long.
Chùa Hạnh Phúc Tăng tọa lạc tại ấp Trung Trạch, xã Trung Thành, Huyện Vũng Liêm, Tỉnh Vĩnh Long được xem là biểu tượng văn hóa của người Khmer. Chùa Hạnh Phúc Tăng là ngôi chùa có niên đại lâu nhất trong số các ngôi chùa của người Khmer trên địa phận Vĩnh Long. Theo ghi chép, chùa Hạnh Phúc Tăng được xây dựng vào năm 632, lúc đó đang là thế kỷ thứ VII.
Khuôn viên chùa vô cũng mát mẻ thanh tịnh với những hàng cây cổ thụ to lớn tỏa bóng mát rượi ra xung quanh, bạn sẽ quên ngay cảm giác mệt mỏi và oi bức của mùa hè khi bước vào không gian tĩnh lặng của chùa.
Nguồn: Phật Giáo