Hưng Yên: Tưởng niệm lễ húy kỵ Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ

Sáng 2/12 (nhằm 2/11/Giáp Thìn), tại Tổ đình Nho Lâm, tỉnh Hưng Yên, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Sơn môn pháp phái đã tổ chức lễ húy kỵ lần thứ 13, tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ – Thành viên Hội đồng Chứng minh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, nguyên Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam.

Buổi lễ được tổ chức trong bầu không khí thiêng liêng và thành kính, với sự hiện diện của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương; cùng chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội các cấp, môn đồ pháp quyến và đông đảo Phật tử khắp nơi.

Tại bảo tháp Thọ Lâm – Nơi tứ đại của cố Trưởng lão Hòa thượng được an nghỉ, chư tôn giáo phẩm và đại chúng đã thành kính thực hiện nghi thức dâng hương, niệm Phật và tụng Đại bi thần chú, cầu nguyện Giác linh Trưởng lão Hòa thượng cao đăng Phật quốc, chứng quả vô sanh.

Sau khóa lễ tưởng niệm, chư tôn đức cùng kinh hành nhiễu tháp trang nghiêm, hòa quyện vào tiếng niệm Phật của đại chúng, tạo nên một năng lượng linh thiêng hồi hướng đến Giác linh bậc cao tăng thạc đức, để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc của thế hệ hậu bối đối với công đức to lớn của Trưởng lão Hòa thượng, người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp xiển dương chánh pháp, xây dựng Giáo hội và phụng sự đất nước.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ (1927–2011), thế danh Trần Văn Long, sinh tại thôn Miêu Nha, xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên trong gia đình nông dân nghèo. Mồ côi mẹ từ nhỏ, Ngài được nuôi dưỡng tại chùa Nho Lâm bởi Ni trưởng Thích Đàm Ân và xuất gia từ năm 6 tuổi. Sau đó, Ngài thụ giáo Hòa thượng Thích Thanh Hồ và được thụ giới Sa-di năm 1939, thụ giới Tỳ-kheo năm 1947.

Ngài là tấm gương sáng của tinh thần “Hộ quốc an dân”, kết hợp Phật pháp với yêu nước. Trong thời kỳ kháng chiến, Ngài tích cực tham gia cách mạng, hỗ trợ phong trào đấu tranh giành độc lập. Sanh thời, Ngài giữ nhiều trọng trách chủ chốt trong GHPGVN như: Thành viên Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo nhiều tỉnh thành và trụ trì chùa Quán Sứ (Hà Nội), tổ đình Nho Lâm (Hưng Yên) và nhiều tổ đình, tự viện khác.

Ngài đã có những đóng góp to lớn trong việc thống nhất các tổ chức Phật giáo cả nước, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981). Với tâm huyết phát triển Phật giáo miền Bắc, Ngài đã vận động trùng tu, xây dựng nhiều cơ sở tự viện, sáng lập và xây dựng cơ sở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sóc Sơn, Hà Nội.

Ngài tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, góp phần nâng cao hình ảnh Phật giáo và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Là đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, Ngài không ngừng đóng góp ý kiến đại diện Tăng Ni và đồng bào Phật tử, cũng như tham gia vào các hoạt động xã hội, thực hiện phương châm tốt đạo, đẹp đời.

Với những đóng góp không mệt mỏi, Trưởng lão Hòa thượng được Đảng, Nhà nước và Giáo hội trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, tiêu biểu là Huân chương Hồ Chí Minh. Ngài là biểu tượng sáng ngời của tinh thần từ bi, trí tuệ và phụng sự chúng sinh, xứng đáng được kính trọng và noi gương cho các thế hệ mai sau.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận trong buổi lễ.

Tin. Ảnh: Phúc Thịnh – Đăng Huy