NHỮNG KỶ NIỆM CỦA HỒ CHỦ TỊCH VỚI PHẬT GIÁO HẢI DƯƠNG
Cách mạng tháng 8 thành công, vận mệnh của đất nước lúc này còn sơ khai, chính quyền non trẻ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Người đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua ghềnh thác với đầy gian nan thử thách để đi đến độc lập tự do. Cách mạng đã đem lại đời sống ấm no hạnh phúc cho Quốc gia dân tộc. Sinh thời Hồ Chủ Tịch luôn quan tâm đến các tổ chức chính trị, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, các chức sắc Tôn giáo và đồng bào có đạo.
Tự hào trấn Hải Dương xưa, là phên dậu phía Đông kinh thành Thăng Long – tỉnh Hải Dương ngày nay. Mảnh đất địa linh nhân kiệt đã hội tụ và sản sinh các anh hùng dân tộc, nơi chứa đựng các nền tư tưởng tôn giáo và đạo học; nơi địa danh khoa bảng đứng đầu cả nước. Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ Hải Dương, cán bộ và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà đã vinh dự được đón Bác về thăm tới 2 lần. Đặc biệt, lần thứ năm (15/2/1965) Bác đã về thăm Khu di tích Côn Sơn.
Hình ảnh của Bác với Phật giáo Hải Dương tại khu di tích Côn Sơn, cho thấy sự quan tâm của Người đối với văn hóa, đạo đức và tinh thần dân tộc, trong đó Phật giáo đóng vai trò quan trọng. Dưới đây là một số câu chuyện về Bác đối với Phật giáo tại Côn Sơn:
Chuyện thứ nhất, khi đến Côn Sơn ngày 15-2-1965 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ lòng thành kính đối với Nguyễn Trãi và các bậc tiền nhân. Bác nhấn mạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất này. Bác đã nhắc nhở cán bộ và nhân dân địa phương về tinh thần yêu nước, đoàn kết, giữ gìn truyền thống đạo đức, văn hóa dân tộc.
Theo lời Ni trưởng Đàm Đạt, chùa Khám, Tứ Minh cũng như Ni trưởng Đàm Hiến, chùa Kim Liên, Tân Bình. Khi ấy nhị vị Ni trưởng còn là thị giả chấp tác tại chốn tổ Côn Sơn, cho biết: Bấy giờ Hòa thượng Hội chủ Thích Quang Tượng, hiệu Tâm Hiền, nguyên trụ trì chùa Yên Ninh (Nam Sách), đương kim trụ trì chùa Côn Sơn và sư ông Thích Thanh Các (quê Thanh Hóa) là đệ tử, cùng với một số Tăng ni trong chùa đón tiếp Bác, hôm trước Hòa thượng chỉ dạy cho các Tăng ni chấp tác, vệ sinh trong ngoài khuôn viên chùa để ngày mai đón khách, chúng con chỉ biết chấp tác và làm theo chỉ giáo của Hòa thượng, chứ không biết là đoàn khách nào… Đến hôm sau chúng con ở phía sau nhà tổ đường đi lên phía trước hiên chùa thấy có đoàn người và có một cụ già đầu râu tóc bạc ngồi bên tấm bia, chúng con “Thích Đàm Hiến” không biết là ai. Chúng con bạch Hòa thượng Thích Quang Tượng, ngài mới nói Cụ Hồ về thăm chùa và đọc bia .
Sau khi Bác vào chùa dâng hương bái Phật , bái Tổ và thăm viếng cụ đọc và giảng giải bia đá “Côn Sơn Tư Phúc tự bi”, leo núi Côn Sơn, thăm Thanh Hư Động và dừng chân tại Thạch Bàn – nơi Nguyễn Trãi từng ngồi đọc sách và làm thơ. Bác căn dặn cán bộ và nhân dân bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây để Côn Sơn trở thành nơi Tùng Lâm đẹp đẽ. Đến trưa tới giờ thọ trai, Hòa Thượng ân cần chỉ giáo chị em chúng con sắp cơm dâng Bác. Khi chúng con sắp cơm xong để mời Hòa Thượng và Cụ cùng dùng cơm, nhưng Bác lấy nắm cơm từ trong túi ra và bảo tôi đã có chuẩn bị sẵn rồi, nhà chùa không phải lo cho tôi nữa. Lúc con có thưa với Bác rằng “Cụ để nắm cơm cho chúng cháu ăn, còn Cụ xơi cơm với Hòa Thượng cháu cho nóng, nhưng Bác đưa tay để Bác tùy duyên. Thuận mệnh chúng con lui ra ngoài để Hòa thượng và Bác dùng cơm… Những hình ảnh và cử chỉ ôn tồn, dung dị của Người vẫn còn in đậm trong tâm khảm của chúng con đến tận hôm nay ”
Sau chuyến thăm chùa của Bác, Hòa thượng Hội chủ đã hiệu triệu và được sự ủng hộ của Tăng ni trong tỉnh, tiêu biểu có: Cố Hòa thượng Thích Minh Luân (chùa Đống Cao), Hòa thượng Thích Nguyên Sinh (chùa Phượng Hoàng), Hòa thượng Thích Thiện Kì (chùa Duyên Khánh), Hòa thượng Thích Thanh Hanh (chùa Vũ Thượng), Hòa thượng Thích Gia Huệ (chùa Hào Xá), Hòa thượng Thích Thanh Trữ (chùa Lộ Xá), Cụ Thích Thanh Trí (chùa Quỳnh Lâm), Cụ chùa Chạo Hà, Ni trưởng Đàm Nguyễn (chùa Hà Tràng), Ni trưởng Đàm Quy (chùa An Đức ), Ni trưởng Đàm Liên (chùa Phong Hanh), Ni trưởng Đàm Tuệ (chùa Thanh Mai ), Ni trưởng Đàm Tòng (chùa Vo) Ni trưởng Đàm Đạt (chùa Khám), Ni trưởng Đàm Hiến (chùa Kim Liên), Ni trưởng Đàm Lượng (chùa Nguyên Đào)….đã vào khai sơn phá thạch, chở tre gỗ kiến thiết tùng lâm, làm nơi an cư kiết hạ.
Theo lời kể của Hòa thượng Minh Luân, chư Tăng Ni Hải Dương đã có mặt từ đầu thập kỉ những năm 60. Năm 1962, ngôi Đình Vũ Xá – Kinh Môn được đưa về dựng làm tòa bái đường chùa Côn Sơn, thời gian này tôi cùng một số Tăng ni lên bàn cờ vác gỗ và vào làng Chi Ngãi xin tre về để bắc giáo cất chùa. Sau đó nhờ Mặt trận giới thiệu, phân công các Hòa Thượng có uy tín về các chùa làng thỉnh tượng, hoành phi câu đối và các đồ tế tự, đưa về Côn Sơn (các văn bản hiện nay vẫn còn lưu trữ ). Sau khi tu bổ và tạo dựng một số nhà cho Tăng Ni an cư học hạ và chấp tác.
Đến khi Bác Hồ về thăm Người phát động trồng cây trồng rừng, làm cho di tích càng xanh tươi. Trong những năm ở Côn Sơn tôi được đề cử (Hòa thượng Thích Minh Luân) làm chánh duy na để quản lí việc Tăng Ni tu học, ngày sinh nhật Bác tôi mạnh dạn đề nghị Hòa thượng Hội chủ cho phép vận động Tăng Ni bạt núi trồng cây mừng ngày sinh nhật Bác. Toàn bộ vườn vải giao cho Tăng Ni các huyện chở vải vào trồng. Đến nay vườn vải vẫn còn xanh tươi.
60 năm đã qua, những lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam, là căn cứ để Đảng bộ, chính quyền cũng như Phật Giáo tỉnh và các tầng lớp nhân dân, thực hiện hữu hiệu lời căn dặn của Bác. Thánh tích Côn Sơn đến nay đã trở thành một chốn Tùng Lâm của Phật giáo, là nơi lưu giữ những dấu chân hành đạo của các bậc cao thiền thạc đức, là nơi nuôi dưỡng tinh thần của các Anh hùng hào kiệt.
Vinh dự đặc biệt, di tích cấp quốc gia, sánh cùng với một trong ba trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm – Yên Tử – Vĩnh Nghiêm. Đang được UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa thế giới. Là nơi hành đạo, chiêm bái của Tăng Ni Phật tử và nhân dân cả nước, khi trở về vui xuân trẩy hội
Côn Sơn khai hội tiết đầu năm
Tư Phúc năm nào Bác tới thăm
Bia đá trước sân người giảng đạo
Âm ba vang vọng khắp thiền lâm
Ức trai tiết tháo hồn kim cổ
Lấp lánh sao khuê tỏa sắc xuân
Tam Tổ hòa quang nguồn suối đạo
Thánh Nhân hiển hiện chốn cao thâm
Hải Dương, 08/02/2025
Thượng Tọa Thích Thanh Vân – Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Hải Dương.